Description
Phương pháp lọc nước mặn thành nước ngọt
20/11/2013 1:50:26 PM
Mục đích của công tác lọc nước là loại bỏ các chất cặn, và nước phải chứa thật ít muối khoáng, dưới mức độ được quy định, tùy theo mục đích xử dụng nước.
Phương pháp chưng cất nước
Dùng nhiệt lượng làm nước bốc hơi, hơi nước kết đọng thành nước không chứa khoáng chất (nhưng có thể chứa ít dung dịch khác có điểm bốc hơi thấp, như rượu cồn) khi gặp nhiệt độ lạnh. Gồm 3 phương pháp chính: chưng cất qua nhiều ngăn, hiệu ứng bốc hơi qua nhiều giai đoạn, hơi nước cao áp.
Chưng cất qua nhiều ngăn: Các nhà máy chưng cất có thể tạo ra nước có hàm lượng TDS từ 1-50 mg/l. Các chất làm sạch dạng kiềm loại bỏ được được các chất gây tắc nghẽn dạng hữu cơ, còn các chất làm sạch dạng axit loại bỏ được các cặn và muối. Trong quá trình chưng cất, nước được đun nóng và bay hơi; hơi ngưng tụ chính là nước sạch có hàm lượng TDS rất thấp, nước muối cô đặc là sản phẩm dư lại. Các muối vô cơ và các chất hữu cơ tự nhiên có khối lượng phân tử lớn không dễ bay hơi và cũng không dễ phân tách. Tuy nhiên, các hóa chất dễ bay hơi lại có thể dễ dàng xuất hiện trong quá trình khử trùng bằng clo trước đó, do bị tràn hoặc ô nhiễm khác.
Chưng cất nhiều công đoạn: bao gồm các đường ống đặt dọc và ngang. Hơi được ngưng tụ ở một bên của đường ống và quá trình truyền nhiệt làm bốc hơi nước mặn ở phía bên kia. Áp lực giảm liên tục ở mỗi công đoạn do nhiệt độ giảm và có sự cấp nhiệt bổ sung cho mỗi giai đoạn nhằm tăng hiệu suất hoạt động.
Chưng cất bằng nén hơi: Các hệ thống này nén hơi nước gây ra sự ngưng kết trên bề mặt truyền nhiệt (ống dẫn), cho phép nhiệt truyền vào dòng nước mặn và ngưng kết ở phía bên kia của ống dẫn. Máy nén cần nguồn năng lượng lớn, làm tăng áp suất bên có hơi và làm giảm áp suất ở bên chứa nước mặn xuống dưới nhiệt độ sôi của chúng.
Phương pháp thẩm thấu ngược
Trong phương pháp này, nước mặn được lọc qua màng bán thẩm thấu. Màng này cấu tạo bởi vô số lổ nhỏ cực vi, có đường kính khoảng 1-50 nm (nanometer). Màng có đặc tính chọn lựa, chỉ cho phép những phân tử nhỏ như nước đi qua các lổ của màng (vì kích thước nhỏ hơn lổ), và giữ lại các phân tử lớn như các loại muối, tương tự như một cái rây thật mịn áp dụng cho chất đặc. Nước biển là một dung môi gồm nước và các chất hòa tan trong nước, chất chánh là muối NaCl và ít muối khoáng khác, đều có phân tử lượng lớn hơn nước.
Xử lý nước cấp công nghệ thẩm thấu ngược là một giải pháp màng lọc kỹ thuật nhằm loại bỏ nhiều loại phân tử lớn, tách ly các ion tồn tại dưới dạng muối khoáng hòa tan bằng cách dùng áp lực của máy bơm đẩy nước qua màng bán thấm. Kết quả là các muối khoáng hòa tan được giữ lại ở phía bên áp lực của màng và chỉ cho nước sạch (gần tinh khiết) đi qua một cách chọn lọc.
Phương pháp lọc nano
Nguyên tắc chủ yếu của các công nghệ nano làm giảm các vấn đề nan giải về nước là giải quyết các khó khăn về kỹ thuật để xử lý các chất ô nhiễm trong nước, bao gồm vi khuẩn, virút, asen, thủy ngân, thuốc bảo vệ thực vật và muối. Nhiều nhà nghiên cứu và kỹ sư khẳng định, công nghệ nano đảm bảo các giải pháp hiệu quả và bền vững hơn vì sử dụng các hạt nano để xử lý nước ít gây ô nhiễm hơn so với các phương pháp truyền thống và đòi hỏi ít nhân công, vốn, đất đai và năng lượng. Nhiều thiết bị xử lý nước sử dụng công nghệ nano đã có mặt trên thị trường cùng với các thiết bị khác sắp được tung ra thị trường hay đang trong quá trình phát triển.
Màng lọc nano đã được ứng dụng phổ biến để xử lý muối hòa tan và các chất ô nhiễm có kích thước nhỏ, làm mềm nước và xử lý nước thải. Màng lọc nano đóng vai trò như rào cản vật lý, ngăn chặn các hạt và vi sinh vật lớn hơn lỗ của màng lọc và loại bỏ có chọn lọc các chất ô nhiễm. Công nghệ nano sẽ góp phần cải tiến hơn nữa công nghệ màng đồng thời còn làm giảm chi phí rất lớn trong quy trình khử mặn.